Đóng

Ung thư phổi

Ung thư phổi giai đoạn đầu: Dấu hiệu nhận biết và một số phương pháp giúp tầm soát phát hiện sớm

Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh phổ biến ở nhiều độ tuổi, nhưng hay gặp là từ 55 đến 65 tuổi. Gần đây, bệnh có xu hướng xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn. Triệu chứng trong giai đoạn đầu rất mập mờ và giống với nhiều bệnh khác. Nhưng nếu được phát hiện sớm thì có thể có phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.

Ung thư phổi giai đoạn đầu: Dấu hiệu nhận biết và một số phương pháp giúp tầm soát phát hiện sớm

 

Khả năng điều trị thành công ung thư phổi giai đoạn đầu lên đến 80%. Dĩ nhiên là vẫn phải tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp khác để đẩy lùi hoàn toàn. Do đó việc phát hiện được bệnh càng sớm thì càng có hiệu quả trong phác đồ điều trị.

Các dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu

Đặc điểm của ung thư phổi giai đoạn đầu

Ung thư phổi có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, có 9 trên 10 người mắc ung thư phổi thuộc loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Vì vậy, đa số các hệ thống phân loại là phân loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bảng phân độ hay được sử dụng nhất là phân độ TNM, viết tắt của T (Tumour) – N (Nodes) – M (Metastasis).

– T (Tumour) mô tả kích thước khối u, độ lan rộng của khối u.

– N (Nodes) mô tả mức độ lan của khối u. Khối u đã lan rộng tới các hạch bạch huyết gần đó chưa.

– M (Metastasis) nghĩa là di căn. Cho biết khối u đã di căn đến các cơ quan khác như não, xương, gan… hay chưa.

Phân độ ung thư phổi giai đoạn đầu theo TNM

Bảng phân độ TNM chi tiết khá phức tạp. Theo TNM, ung thư phổi giai đoạn đầu là giai đoạn 0 và giai đoạn I. Trong giai đoạn I được chia nhỏ thêm hai giai đoạn là IA và IB. Biết giai đoạn, loại và cấp độ sẽ giúp bác sĩ có một kế hoạch điều trị thích hợp.

Giai đoạn 0

Khối u chỉ ở các lớp tế bào trên cùng lót đường dẫn khí và chưa xâm lấn sâu hơn vào các mô phổi khác. Tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan khác của cơ thể.

Giai đoạn IA

Khối u chỉ khu trú trong phổi và kích thước nhỏ hơn 3 cm. Giai đoạn này được chia nhỏ hơn nữa dựa vào kích thước khối u.

– IA1: nhỏ hơn 1 cm, hoặc không xâm lấn.

– IA2: từ 1 đến 2 cm.

– IA3: từ 2 đến 3 cm.

Giai đoạn IB

Khối u vẫn chưa lan đến hạch bạch huyết lân cận. Giai đoạn này có thể được xác định theo hai cách: Một là khối u kích thước từ 3 đến 4 cm. Hoặc hai là khối u có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 4 cm nhưng thỏa 1 trong các yếu tố sau:

– Khối u nằm trong phế quản chính nhưng không phải tại chỗ chia đôi.

– Khối u lan đến màng phổi.

– Phổi đã xẹp hoặc viêm.

Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu

Vì là ung thư phổi giai đoạn đầu nên những biểu hiện, triệu chứng của bệnh rất mập mờ. Do đó cần phải đặc biệt chú ý về các dấu hiệu của bệnh thì mới có thể phát hiện bệnh sớm.

Một số triệu chứng có thể gặp trong giai đoạn đầu:

– Sụt cân đột ngột: Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), sụt cân của thể là dấu hiệu sớm nhất của ung thư. Ước tính khoảng 40% có sụt cân đột bất thường khi có chẩn đoán ung thư.

– Khó thở: Khó thở có thể triệu chứng sớm của ung thư phổi giai đoạn đầu dù triệu chứng này gặp ở rất nhiều bệnh lý khác. Có thể có khó thở mà không ho.

– Ho: Ho khan thường xuyên, ho ra đờm, ho dai dẳng và liên tục, đặc biệt ho nhiều vào gần sáng. Đôi lúc ho ra máu. Ho đờm có thể thay đổi màu sắc và số lượng.

– Đau ở lưng, ngực và vai: Sở dĩ có đau lưng, ngực, vai là có ít dây thần kinh đến phổi do khối u. Nhưng, vì là ung thư phổi giai đoạn đầu cảm nhận mức độ đau ở mỗi người là khác nhau.

– Khác: Giọng nói thay đổi, khàn. Sức đề kháng kém khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, cảm, sốt. Triệu chứng ít gặp hơn như: nuốt khó, màu sắc ngón tay và móng tay thay đổi.

Các phương pháp giúp tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi

Chụp x-quang phổi thường quy

X-quang phổi thường quy là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện. Trên phim x-quang thường quy có thể phát hiện các tổn thương khối u có kích nhỏ dạng nốt đơn độc với kích thước 1 cm, trên cơ sở đó áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu hơn giúp chẩn đoán xác định.

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp

Chụp cắt lớp liều thấp là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường. Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp x-quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.

Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang

Là một trong những phương pháp phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách phát hiện sớm các tổn thương niêm mạc phế quản qua đó sinh thiết xác định có tế bào ung thư hay không, đặc biệt những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ), các tổn thương loạn sản khó có thể xác định bằng nội soi phế quản ánh sáng trắng đơn thuần.

Nội soi phế quản sử dụng nguồn sang NBI

Đây là kỹ thuật mới được áp dụng trong kỹ thuật nội soi phế quản. NBI tăng cường khả năng hiển thị mao mạch (mạch máu nhỏ) và các cấu trúc khác trên bề mặt niêm mạc. Dựa vào hình ảnh thu được người làm nội soi có thể nhận biết được vùng nghi ngờ tổn thương và quyết định sinh thiết niêm mạc tại chỗ nghi ngờ để làm xét nghiệm mô bệnh học giúp chẩn đoán xác định tổn thương đó có phải ung thư hay không ngay từ rất sớm.

Các chất chỉ điểm u

Các chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro – GRP, NSE trong máu tăng đóng vai trò tham chiếu định hướng đến ung thư phổi.

Ung thư phổi giai đoạn đầu sống được bao lâu?

Theo thống kê, 70 – 92 % người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu sống sót sau 5 năm. Nhiều bệnh nhân có thể sống lâu hơn 5 năm với các liệu pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.

Tỷ lệ sống sót còn có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như sức đề kháng cũng như tuổi tác của từng bệnh nhân. Người bệnh ở độ tuổi càng trẻ và có sức đề kháng cũng như sức khỏe cao thì tỷ lệ sống sót càng cao. Người vẫn giữ thói quen hút thuốc lá khi có chẩn đoán ung thư phổi sẽ làm giảm tỷ lệ sống sót sau ung thư.

Ung thư phổi giai đoạn đầu có tái phát không?

Nói chung, ở giai đoạn càng lớn thì tỷ lệ tái phát sẽ càng cao. Một nghiên cứu chỉ ra rằng trong 3 người mắc ung thư phổi giai đoạn I thì sẽ có 1 người tái phát ung thư. Bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, 30–55% bệnh nhân sẽ tái phát bệnh trong vòng 5 năm đầu sau phẫu thuật.

Nguy cơ ung thư phổi tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm: loại ung thư phổi, giai đoạn ung thư phổi khi được chẩn đoán, và các phương pháp điều trị ung thư ban đầu. Hầu hết các bệnh ung thư phổi tái phát trong 5 năm đầu sau chẩn đoán. Vì vậy, người bệnh vẫn được khuyến cáo khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Từ đó kịp thời phát hiện những bất thường.

Giai đoạn I của bệnh ung thư phổi có thể điều trị được. Bệnh nhân có cơ hội sống thêm 5 năm nữa hoặc thậm chí nhiều hơn. Nhưng việc phát hiện được giai đoạn đầu là một bài toán khó. Trên thế giới chỉ có 20% người bệnh phát hiện ung thư phổi giai đoạn đầu. Mong rằng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn các dấu hiệu, triệu chứng để phát hiện và tầm soát sớm nhất có thể.

BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)