Đóng

Ung thư cổ tử cung

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung có cần thiết?

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 500 nghìn trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung, và có tới hơn một nửa số ca mắc đó tử vong vì căn bệnh này. Đây thực sự là con số đáng báo động hiện nay, bởi lẽ căn bệnh quái ác này vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Do đó việc sàng lọc, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của bệnh ung thư cổ tử cung là vô cùng cần thiết, giúp chị em phụ nữ có thể phòng tránh căn bệnh ung thư nguy hiểm này. Vậy tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào, có biện pháp nào phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung có cần thiết

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý xảy ra khi các tế bào biểu mô ở cổ tử cung (khe hẹp nằm giữa âm đạo và tử cung) bắt đầu phát triển tăng sinh bất thường, mất kiểm soát, từ đó hình thành khối u ở cổ tử cung và phát triển từ từ theo thời gian. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tế bào vảy, chúng chiếm tới 80 – 90% trong tổng số ca mắc bệnh. Tiếp sau đó là ung thư biểu mô tế bào tuyến chiếm khoảng 10 – 20% tổng số ca mắc bệnh. Mặc dù ít phổ biến hơn ung thư biểu mô tế bào vảy, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt hay gặp ở chị em nữ giới tuổi đời còn trẻ.

Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung và thăm khám sàng lọc phát hiện sớm các dấu ấn của ung thư cổ tử cung là việc làm mà chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đặc biệt quan tâm.

Những ai cần được thăm khám, tầm soát ung thư cổ tử cung sớm?

Theo các chuyên gia y tế đầu ngành về ung bướu và sản phụ khoa thì tất cả chị em phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở trong độ tuổi từ 30 – 49 nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Thường thì nên bắt đầu sàng lọc tầm soát ung thư cổ tử cung sau 2 năm kể từ khi có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của kỳ kinh. Tuy nhiên, chị em cũng có thể làm xét nghiệm sớm hơn nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường. Và những phụ nữ nằm trong nhóm nguy cơ được nêu ra dưới đây, hãy chủ động thăm khám, sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung sớm.

Những chị em có quan hệ tình dục sớm và quan hệ với nhiều người

Hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV. Một số chủng virus HPV xâm nhập vào tế bào cổ tử cung và có thể khiến các tế bào này biến đổi bất thường. Mà virus HPV thường lây truyền từ người sang người khi hoạt động tình dục. Do đó, những chị em có quan hệ tình dục sớm và với nhiều người sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung hơn sơ với người khác. Do đó, việc chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung sớm là cần thiết.

Chị em có tiền sử mắc các bệnh lý phụ khoa

Các bệnh lý phụ khoa như viêm âm hộ, âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, bệnh lậu, giang mai,…, nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Do đó, việc thăm khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng.

Những người có người thân trong gia đình từng bị ung thư cổ tử cung

Theo các nghiên cứu thì căn bệnh ung thư cổ tử cung có khả năng di truyền. Do đó, nếu bạn có người thân trong gia đình như mẹ, chị em gái, cô, dì,… từng mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì hãy chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Những chị em sinh nở quá sớm và sinh đẻ nhiều lần

Việc sinh nở quá sớm hoặc sinh đẻ nhiều lần từ 3 con trở lên sẽ có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao hơn người bình thường. Do đó, việc tầm soát sớm sẽ giúp hạn chế khả năng mắc bệnh và kịp thời điều trị.

Ngoài ra, những chị em thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, hay dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, ma túy,… có thể làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Do đó cũng cần được tầm soát sàng lọc bệnh sớm.

Vậy tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào?

Việc sàng lọc, phát hiện sớm ra các tế bào bất thường trong cổ tử cung trước khi chúng trở thành tế bào ung thư mang tới tỷ lệ điều trị bệnh thành công lên tới 80 – 90%. Còn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị bệnh ung thư cổ tử cung thì khả năng điều trị hiệu quả chỉ còn dưới 15%. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung cần được thực hiện sớm và định kỳ.

Thăm khám lâm sàng

Chị em sẽ được thăm khám lâm sàng trực tiếp với bác sĩ phụ khoa. Bác sĩ sẽ hỏi về các tình trạng bệnh lý mà chị em đang gặp phải, tiền sử gia đình và của bản thân, đã sinh con mấy lần,… Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp kiểm tra tình trạng của môi lớn, môi bé, tầng sinh môn, nếp gấp, niêm mạc, âm đạo, âm hộ, cổ tử cung. Nếu có bất thường bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch âm đạo cũng như tế bào cổ tử cung để soi, làm xét nghiệm.

Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm Pap Smear

Xét nghiệm Pap Smear hay còn gọi là xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung là một trong những xét nghiệm tế bào học thường được sử dụng trong tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm mục đích xác định những tế bào bất thường ở cổ tử cung gây ra bởi virus Human Papilloma Virus (HPV). Phương pháp xét nghiệm này giúp phân tích tế bào ở cổ tử cung, phát hiện những bất thường ở cấu trúc và hoạt động của các tế bào cổ tử cung, từ đó phát hiện sớm ung thư, tiền ung thư trước khi các khối u ác tính lây lan rộng.

Cách thực hiện: Chị em phụ nữ được hướng dẫn nằm ngửa trên giường, hai đầu gối cong lại. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ được gọi là mỏ vịt nhẹ nhàng đưa vào bên trong âm đạo, giúp mở rộng và cố định thành âm đạo để bác sĩ có thể nhìn thấy rõ khu vực cổ tử cung. Tiếp sau đó, bác sĩ sẽ dùng một que phết để lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung, phết lên lam kính và chuyển đến phòng xét nghiệm để phân tích kết quả. Quá trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm này kéo dài trong vòng vài phút và thường không gây đau. Tuy nhiên, một số chị em phụ nữ có thể thấy khó chịu, bị chuột rút hoặc chảy máu âm đạo nhẹ và nếu tình trạng khó chịu kéo dài và chảy máu âm đạo không dứt cần thông báo ngay cho bác sĩ để có chỉ định điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ thì xét nghiệm Pap Smear nên được thực hiện định kỳ 3 năm/lần với phụ nữ trên 21 tuổi có kết quả âm tính với virus HPV và cần thực hiện xét nghiệm hàng năm nếu chị em có kết quả dương tính với virus HPV.

Xét nghiệm Thinprep

Xét nghiệm Thinprep là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được cải tiến hơn so với xét nghiệm Pap Smear. Điểm khác biệt của xét nghiệm này với xét nghiệm Pap Smear đó là sau khi thu thập được mẫu tế bào ở cổ tử cung thay vì phết lên làm kính thì mẫu tế bào ở cổ tử cung sẽ được hòa vào một dung dịch định hình trong một lọ Thinprep, sau đó được chuyển đến phòng thí nghiệm để xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản hoàn toàn tự động.

Và theo khuyến cáo thì chị em trên 21 tuổi cũng nên làm xét nghiệm Thinprep 3 năm/lần nếu có kết quả âm tính với virus HPV và cần thực hiện xét nghiệm hàng năm nếu chị em có kết quả dương tính với virus HPV.

Với ưu điểm vượt trội hơn xét nghiệm Pap Smear, Thinprep sẽ giúp giảm nguy cơ bỏ sót mẫu tế bào bất thường từ đó giảm đáng kể tỷ lệ âm tính giả và nâng cao hiệu quả tầm soát ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm HPV DNA

Xét nghiệm HPV DNA là xét nghiệm sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động và công nghệ giải trình hiện đại nhằm phân, xác định chính xác sự hiện diện virus HPV (Human Papilloma Virus) – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư cổ tử cung ở chị em phụ nữ. Xét nghiệm HPV DNA có tác dụng phát hiện tới 14 type virus HPV nguy cơ gây ung thư cao với độ nhạy là 77% và độ đặc hiệu tới 88%. Đối với 2 type nguy cơ rất cao (type 16 và 18) thì độ nhạy là 73%, độ đặc hiệu lên đến 98%.

Mặc dù phương pháp xét nghiệm HPV DNA không khẳng định được 100% phụ nữ có mắc ung thư cổ tử cung hay không, nhưng dựa vào kết quả thu được có thể phát hiện được virus HPV gây bệnh đang tồn tại trong cơ thể, nhờ đó đánh giá được nguy cơ mắc bệnh trong tương lai để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Cách thực hiện: Để thu thập mẫu tế bào làm xét nghiệm HPV DNA thì bác sĩ cũng cần lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung trực tiếp, tuy nhiên khác với 2 phương pháp xét nghiệm trên thì bác sĩ không sử dụng dụng cụ mỏ vịt mà dùng que quấn gòn đặc biệt đưa vào cổ tử cung qua âm đạo.

Hiện nay, xét nghiệm HPV DNA được khuyến cáo để tầm soát ung thư cổ tử cung cho chị em từ 30 tuổi trở lên định kỳ 5 năm/lần kết hợp với xét nghiệm Thinprep nếu có kết quả HPV âm tính. Và kết hợp thực hiện xét nghiệm HPV DNA với xét nghiệm Thinprep hoặc Pap Smear hàng năm nếu kết quả HPV dương tính.

Sau khi thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm và đưa ra kết luận, tư vấn cho chị em về tình trạng bệnh của mình. Nếu có nghi ngờ cao, các bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các cận lâm sàng chuyên sâu khác như nội soi cổ tử cung và bấm sinh thiết,…

Những lưu ý chị em cần quan tâm trước khi làm tầm soát ung thư cổ tử cung

Để đảm bảo việc tầm soát ung thư cổ tử cung đạt độ chính xác cao nhất, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chị em phụ nữ cần ghi nhớ những lưu ý cực kỳ quan trọng trước khi thực hiện các xét nghiệm, bao gồm:

– Không sử dụng kem bôi trơn âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung.

– Không thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung trong những ngày kinh nguyệt vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng mẫu tế bào thu thập được.

– Thời điểm thích hợp nhất để tầm soát ung thư cổ tử cung là khoảng 10 – 14 ngày sau ngày đầu của kỳ kinh hoặc sau sạch kinh 5-7 ngày.

– Không làm xét nghiệm trong vòng 24 – 28 giờ sau khi quan hệ tình dục.

– Không thụt rửa âm đạo, tác động đến vùng âm đạo trong vòng 2 – 3 ngày trước khi làm xét nghiệm.

– Cần thông báo với bác sĩ chỉ định xét nghiệm nếu có đang đặt thuốc hoặc đang trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa.

BS. Thu Thủy

Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 – 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 – 0937638282