Ăn gì sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp?
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có cần kiêng cữ gì không? Có cần bổ sung thức ăn hay thuốc gì không? Bao nhiêu lâu sau phẫu thuật vết thương sẽ lành? Cần lưu ý gì khi chăm sóc người nhà sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp? Khi nào tôi cần nhập viện trở lại? Bài viết sẽ giúp giải đáp những thắc mắc liên quan đến chế độ ăn và chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp – một bệnh lý ung thư phổ biến hiện nay.
Phẫu thuật ung thư tuyến giáp là gì?
Có thể bạn đã biết, tuyến giáp là một tuyến nội tiết của cơ thể, có hình cánh bướm, nằm ở chính giữa cổ. Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất các hormones giáp (nội tiết tố giáp), có tác dụng điều hòa tốc độ quá trình chuyển hóa của cơ thể chúng ta, cụ thể là:
– Tốc độ đốt năng lượng của các tế bào;
– Nhịp tim;
– Nhiệt độ cơ thể.
Nếu được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, hầu hết trong các giai đoạn bạn sẽ được chỉ định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, có hay không kèm theo nạo hạch cổ (các hạch có dấu hiệu di căn từ ung thư tuyến giáp). Sau phẫu thuật, bạn sẽ nằm viện từ một đến hai ngày để bác sĩ theo dõi dấu hiệu của các biến chứng sau phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 1-2 tuần sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, tuy nhiên, một số vấn đề bạn có thể gặp phải bao gồm:
Suy giáp
Sự thiếu hụt các hormone do cắt bỏ tuyến giáp có thể gây ra tình trạng suy giáp (với các triệu chứng tăng cân, lơ mơ …).
Suy cận giáp
Tuyến cận giáp là các tuyến nội tiết nhỏ nằm sau tuyến giáp, có chức năng điều hòa chuyển hóa canxi trong cơ thể. Các tuyến cận giáp có thể bị mất chức năng do phẫu thuật vô tình lấy đi tuyến cận giáp hoặc tổn thương do tia xạ trong quá trình xạ trị, dẫn tới thiếu hụt calcium. Triệu chứng của suy tuyến cận giáp bao gồm: Tê quanh môi, tê tay chân, chuột rút.
Những vấn đề khác
– Khó nuốt;
– Khàn tiếng;
– Đau vết mổ, hạn chế vận động cổ do đau.
Người bệnh nên ăn gì sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp?
Không có chế độ ăn đặc biệt nào cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên để giảm nhẹ các khó chịu do phẫu thuật và giúp vết mổ lành nhanh, một số lưu ý có thể được áp dụng trong chế độ ăn, bao gồm:
Bắt đầu với chế độ ăn mềm, lỏng
Hãy bắt đầu với các loại nước uống và thức ăn mềm như cháo, sữa, rau câu, khoai tây nghiền, nước ép trái cây, sữa chua… sẽ giúp người bệnh bớt đau hơn, tránh ảnh hưởng đến vết mổ khi thức ăn đi qua cổ họng. Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết khi nào nên dừng chế độ ăn này, sau đó có thể trở lại chế độ ăn bình thường để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cơ thể.
Các loại thực phẩm chứa nhiều đạm (protein), vitamin và khoáng chất
Cơ thể cần đủ lượng protein, các vitamin và khoáng chất cho sự lành vết mổ.
Nguồn đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Hầu hết các loại rau củ màu xanh và các củ quả màu đỏ cam (dâu tây, cam, cà chua) có nồng độ cao vitamin C, Mg, Folate, Beta Carotene, cũng như các chất chống oxy hóa cần thiết cho kháng viêm và hình thành collagen trong quá trình lành thương.
Chất xơ và nước
Sử dụng các loại thuốc giảm đau sau mổ có thể gây táo bón. Vì vậy ăn cân bằng các loại thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, quả) hoặc sử dụng các loại chất xơ hòa tan và uống nhiều nước (tùy theo tuổi, giới, cân nặng, trung bình 1,5-2 lít mỗi ngày) sẽ giúp làm mềm phân.
Thực phẩm chức năng
Một số nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng omega-3, curcumin, L-carnitine, resveratrol, selenium, inositol, kẽm, các vitamin C, vitamin E, vitamin A, và selenium có thể có lợi cho người bệnh ung thư tuyến giáp với hiệu ứng ức chế khối u.
Tuy nhiên hãy xin tư vấn ý kiến bác sĩ điều trị nếu bạn bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Chế độ ăn ít i-ốt sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Chế độ ăn ít i-ốt là gì?
Bạn có thể nghe về chế độ ăn ít tinh bột (low-carb), ít béo (low-fat) nhưng ít người biết đến chế độ ăn ít i-ốt (LID – low iodine diet), và khi nào chế độ ăn này được sử dụng. Các bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp biệt hóa (dạng nhú, dạng nang) có nguy cơ tái phát trung bình và cao sẽ chỉ định uống một loại thuốc I-ốt phóng xạ nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát.
Có phải mọi bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp đều ăn chế độ này?
Khi này, bác sĩ có thể khuyên bạn ăn chế độ ăn ít i-ốt nhằm giữ các tế bào ung thư tuyến giáp luôn trong trạng thái “đói i-ốt”, từ đó gia tăng hấp thụ các phân tử i-ốt phóng xạ. Với chế độ lý tưởng, người bệnh được khuyên ăn ít hơn 50 microgam I-ốt mỗi ngày 10, bằng cách tránh các thức ăn chứa nhiều i-ốt như muối ăn i-ốt, bột canh, bột nêm, rong biển, rau câu, các loại hải sản, lòng đỏ trứng, các sản phẩm bơ sữa, đậu này, một số loại sữa giàu khoáng chất, hoặc bất kỳ thực phẩm đóng gói sẵn nào trong nhãn thành phần chứa nhiều muối i-ốt.
Tuy nhiên cần lưu ý:
– Chế độ ăn này chỉ áp dụng cho ung thư tuyến giáp biệt hóa, không dành cho ung thư tuyến giáp dạng tủy hoặc ung thư tuyến giáp không biệt hóa;
– Do thiếu các bằng chứng rõ ràng từ các nghiên cứu lớn, hiện nay chế độ ăn này vẫn chưa được khuyến cáo rộng rãi. Vì vậy chỉ áp dụng nếu như có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng Jessica Tilton từ Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas – Hoa Kỳ, chế độ ăn ít i-ốt chỉ nên áp dụng ngắn hạn, tối đa 14 ngày trước điều trị i-ốt phóng xạ và 1-3 ngày sau đó. Không nên kéo dài chế độ ăn này, sẽ gây thiếu hụt i-ốt cho cơ thể.
Cần tránh ăn gì sau phẫu thuật tuyến giáp?
Các chất kích thích: Bia rượu, thuốc lá, cà phê,… có thể khiến người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp bị khó tiêu, đồng thời còn làm giảm tốc độ hồi phục chức năng tuyến giáp của người bệnh.
Đồ ăn cứng, khô, khó tiêu: Các loại đồ ăn cứng và khô như cơm rang, mía, hạt cứng, thịt khô, cá khô,… dễ gây khó tiêu, gây khó nuốt và đau cổ, thậm chí ảnh hưởng đến vết mổ của người bệnh.
Đậu nành và các loại rau họ cải: Đậu và các loại rau cải (như đậu cove, đậu đũa, bắp cải, cải ngọt, cải đắng,…) chứa nhiều Goitrogens làm cản trở sản xuất hormon của tuyến giáp và có thể tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc Levothyroxine– một loại thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Nội tạng động vật: Nội tạng động vật như gan heo, bò, óc heo,… chứa nhiều Axit lipoic, một chất làm gián đoạn quá trình hoạt động của tuyến giáp và có thể gây tương tác với thuốc điều trị của người bệnh.
Thức ăn nhanh hoặc chứa nhiều giàu mỡ: Hệ tiêu hoá của người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp thường yếu, chuyển hoá kém nên dễ bị khó tiêu và tăng cân khi ăn các loại thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán, bánh kẹo,…
Lưu ý khi chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Kiểm soát đau
Để giảm đau vết mổ, người bệnh có thể sử dụng Acetaminophen (Panadol, Paracetamol, Partamol, Pharbacol,…) với liều lượng ghi bên bao bì. Nếu vẫn không thể kiểm soát cơn đau, bác sĩ có thể kê toa với các loại thuốc giảm đau mạnh hơn có thành phần gây nghiện, trong thời gian ngắn (như Ultracet). Lưu ý không nên tự sử dụng các thuốc giảm đau này trong thời gian dài mà không có chỉ định của bác sĩ.
Chăm sóc vết mổ
Để vết mổ ung thư tuyến giáp lành tốt, cần lưu ý:
– Vết mổ cắt tuyến giáp thường lành và được cắt chỉ trong vòng 7 – 10 ngày sau phẫu thuật.
– Bạn không cần đắp gạc thường xuyên lên vết mổ đã khô.
– Chỉ rửa vết mổ bằng nước muối sinh lý, không bôi povidone-iodine (Betadine) trực tiếp lên vết mổ đang lành. Điều này không chỉ khiến vết mổ lâu lành hơn, mà còn gây kích ứng da, giảm độ bền của vết mổ và dễ gây nhiễm trùng.
– Khi tắm, nên tắm dưới vòi sen và hạn chế tắm bồn để tránh làm ẩm vết mổ quá mức.
– Hạn chế hoặc ngưng thuốc lá, vì thuốc lá gây co thắt các mạch máu nhỏ, giảm cung cấp máu khiến vết mổ lâu lành.
– Nên che nắng cho vùng cổ hoặc bôi kem chống nắng (khi vết mổ đã lành) khoảng 6 tháng – 1 năm sau mổ để giảm sự hình thành tế bào hắc tố gây mất thẩm mỹ vùng cổ.
– Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cố gắng rạch da theo đường cong tự nhiên của cổ để tránh sẹo mổ xấu sau mổ. Để hỗ trợ thêm, sau khi vết mổ lành có thể sử dụng các loại kem lành sẹo vào ban đêm trong vòng 8 – 10 tuần.
Thuốc bổ sung hormone giáp
Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, người bệnh cần bổ sung hormone tuyến giáp (Levothyroxine) suốt quãng đời còn lại. Bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc, số viên thuốc tùy thuộc vào kết quả kiểm tra nồng độ hormone trong máu và cân nặng của bạn.
Cần lưu ý, Levothyroxine nên được uống khi bụng đói, thường vào sáng sớm khi mới thức dậy. Hãy tự theo dõi các dấu hiệu suy giáp (khàn tiếng, tăng cân, rụng tóc, lơ mơ, “sương mù não”) hoặc cường giáp (tim đập nhanh, hồi hộp, run tay) và thông báo với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.
Điều trị các bệnh đi kèm
Nếu có bất kỳ bệnh nền nào (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh thận mạn,…) hoặc đang sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng bất kì, hãy thông báo với bác sĩ điều trị. Nếu bác sĩ không có lưu ý gì đặc biệt, hầu hết các loại thuốc điều trị bệnh khác có thể được sử dụng tiếp tục ngay ngày đầu sau mổ ung thư tuyến giáp.
Hoạt động thể lực
Bạn có thể hoạt động thể lực trở lại bình thường trong 4-5 ngày sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên cần tránh các hoạt động gắng sức như chạy bộ, tập aerobics, bơi lội, tập tạ trong vòng 1 tuần sau mổ. Điều quan trọng là hãy lắng nghe cơ thể bạn và đừng hoạt động quá giới hạn.
Tâm lý
Trừ ung thư tuyến giáp không biệt hóa, các loại ung thư tuyến giáp còn lại hầu hết có tiên lượng rất tốt, với tỉ lệ sống 5 năm sau khi chẩn đoán và điều trị lên đến trên 90%, khi tính chung cho tất cả các giai đoạn bệnh.
Vì vậy, sau khi được chẩn đoán và phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bạn cần chuẩn bị một tinh thần chấp nhận và lạc quan để sống vui vẻ cùng bệnh, theo dõi sát theo lời dặn của bác sĩ và nhận được điều trị thích hợp cũng như hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường.
Khi nào cần quay lại gặp bác sĩ ngay?
Khi xuất viện sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh hãy quay lại gặp bác sĩ theo đúng lịch hẹn để được theo dõi sau điều trị và tiếp tục các phương pháp điều trị bổ sung nếu có (như uống I-ốt phóng xạ, hóa trị, xạ trị, thuốc miễn dịch,…). Ngoài ra, người bệnh có thể đến bệnh viện bất cứ khi nào nếu có các triệu chứng sau:
– Khó thở;
– Ho hoặc khàn tiếng kéo dài sau mổ;
– Dấu hiệu nhiễm trùng:
+ Sốt ≥ 38,5 độ C kéo dài 24 giờ
+ Sưng, đỏ, đau vết mổ
+ Chảy mủ từ vết mổ
– Chảy máu nhiều từ vết mổ;
– Các dấu hiệu suy giáp hoặc cường giáp như đã nói ở trên;
– Các dấu hiệu hạ canxi máu:
+ Tê hoặc ngứa ran các ngón tay, ngón chân, quanh môi;
+ Liệt mặt;
+ Chuột rút.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về nguyên tắc dinh dưỡng và những loại thực phẩm tốt cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “Ăn gì sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp?” và xây dựng được chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh nhanh phục hồi.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)