Đóng

Trị liệu cho bệnh nhân ung thư

Chiến thắng ung thư bằng sức mạnh tinh thần

Tổ chức y tế thế giới WHO đã đưa ra khái niệm về sức khỏe như sau: “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”. Con người là một chỉnh thể tổng hòa giữa vật chất và tinh thần, chúng có mối quan hệ chặt chẽ và tương tác qua lại với nhau. Vì vậy, tinh thần cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh, nhất là đối với bệnh nhân ung thư.

Chiến thắng ung thư bằng sức mạnh tinh thần

 

Mối nguy hại tiềm ẩn của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực

Nụ cười không chỉ có hiệu quả chữa bệnh và phòng bệnh kỳ diệu mà còn là loại thuốc bổ miễn phí có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Và ngược lại với loại thuốc bổ này cũng có một loại thuốc độc mà bản thân chúng ta tự tạo ra. Mặc dù, đều biết căng thẳng tích tụ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng chúng ta lại không biết được việc để những cảm xúc tiêu cực đó diễn ra hàng ngày sẽ gây hại như thế nào đối với sức khỏe của bản thân. Phần lớn người nghĩ rằng cảm xúc là một thứ gì đó thoáng qua nhưng trên thực tế dù là dưới hình thức nào thì cảm xúc sẽ để lại dấu vết trên cơ thể mỗi người. Nếu như chúng ta luôn ở trong trạng thái tức giận, lo lắng, buồn bực, sợ hãi, căng thẳng thì cơ thể sẽ ngăn cản sự sản sinh nội tiết tố, làm trì trệ sự hoạt động của não bộ, dẫn tới nảy sinh những bất thường trong việc giải phóng và quân bình các hormone trong cơ thể. Ngoài ra, khi bị căng thẳng hormone Adrenaline (một loại hormone gây căng thẳng) sẽ giải phóng ra nhiều hơn. Adrenaline khiến thần kinh giao cảm bị kích thích, mạch máu co lại, vì vậy mà nhiều con đường lưu thông bị ứ nghẽn, oxy không được cung cấp đầy đủ dẫn đến giảm tưới máu cho mô, cơ quan. Những người dễ nóng vội, người tức giận và cố nhẫn nhịn để rồi bộc phát sẽ rất dễ gặp các vấn đề về gan. Mặc dù không thể nói cái nào có trước, cái nào có sau nhưng thực tế thì những người có vấn đề về gan thường rất dễ nổi nóng. Ví dụ, khi phải chịu uất ức hoặc tức giận lâu ngày thì sẽ xuất hiện các vấn đề về chức năng gan, hiện tượng đau đầu, xuất huyết dưới kết mạc, đau tức mạn sườn… Tương tự, nếu bệnh nhân thường xuyên lo âu, căng thẳng thì cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất là dạ dày, làm cho cơ dạ dày co thắt, tiêu hóa sẽ bị cản trở, chán ăn, đau bụng ê ẩm hoặc cảm thấy tức bụng, nếu nặng có thể xuất hiện cả các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, mất cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, cảm xúc vui, buồn, sợ hãi cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Và chúng khiến hệ miễn dịch suy giảm đi, từ đó phát sinh bệnh tật.

Chúng ta có thể chiến thắng bệnh tật bằng sức mạnh tinh thần không?

Trong một cơ thể khỏe mạnh không thể chứa đựng một tinh thần yếu đuối và ngược lại. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, không nhiều người biết quý trọng và nỗ lực giữ gìn sức khỏe của bản thân. Phần lớn đều để đến khi mất đi sức khỏe và phải chịu đau đớn vì bệnh tật mới cảm thấy hối hận. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ về sức khỏe ngay từ vấn đề căn bản. Nếu muốn khỏe mạnh thì ngoài cố gắng ra, chúng ta cũng cần có hiểu biết chính xác về sức khỏe, tìm cách làm sao để có một cơ thể khỏe mạnh.

Để có một sức khỏe tốt, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, ngoài việc lên kế hoạch chăm sóc bản thân theo chế độ ăn uống, sinh hoạt, thăm khám định kỳ ra thì chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng là yếu tố vô cùng quan trọng mà đôi khi chúng ta lại lãng quên. Cụ thể, từ mối quan hệ mật thiết giữa vật chất và tinh thần cho thấy, cơ thể sẽ có những phản ứng tương ứng với những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Khi chúng ta trải qua các tư duy, cảm xúc nào đó thì cơ thể của chúng ta cũng sẽ có những diễn biến thay đổi thể chất tương tự. Người già và người trẻ, bệnh tật và khỏe mạnh, tất cả đều xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ của chúng ta. Vậy nên, bí quyết của sự khỏe mạnh nằm ở nụ cười và suy nghĩ tích cực. Tiến sỹ Martin Seligman – chủ tịch Hiệp hội tâm lý học Mỹ, đồng thời là giáo sư tâm lý học của trường đại học Pennsylvania từng có những nghiên cứu xuất sắc về sức mạnh tinh thần. Dựa vào kết quả nghiên cứu, ông cho rằng nếu chúng ta có sức mạnh tinh thần, luôn suy nghĩ lạc quan, tích cực và có niềm tin vào sự sống thì chúng ta có thể chiến thắng bệnh tật, kể cả bệnh ung thư.

Liệu pháp chữa bệnh bằng nụ cười

Người xưa có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” có nghĩa là, khi chúng ta giữ được tinh thần thoải mái, lạc quan thì còn tốt hơn cả việc uống thuốc bổ. Từ thế kỷ thứ XIII, những nghiên cứu về việc nụ cười có thể chữa được bệnh tật và duy trì sức khỏe đã xuất hiện. Kể từ đó, các bác sĩ đã sử dụng nụ cười như một liệu pháp tâm lý nhằm làm giảm bớt đau đớn sau phẫu thuật, xoa dịu căng thẳng, hỗ trợ tiêu hóa, kích thích sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Cho đến bây giờ, hiệu quả của việc điều trị bằng nụ cười vẫn tiếp tục được nghiên cứu. Nhiều bệnh nhân đã thực hiện áp dụng phương pháp này và mang lại hiệu quả giảm đau, cải thiện sức khỏe khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Không cần phải tìm kiếm những phương thuốc quý để mong cầu được trường sinh bất lão, mà nụ cười chính là một tài sản vô cùng quý giá do cuộc sống ban tặng cho mỗi người, là bí quyết trường thọ hiện diện thực sự ở ngay trong chính bản thân của mỗi chúng ta.

BS. Nguyễn Yến