Ung thư da – hoàn toàn có thể phòng tránh
Chúng ta có thể dựa vào những nguyên nhân và nguy cơ phổ biến làm tăng tỷ lệ ung thư da đã được đề cập để đưa ra những biện pháp phòng tránh và giảm thiểu mắc bệnh lý này. Các thống kê hiện tại cho thấy chống nắng tích cực và tiếp xúc đúng cách làm giảm rõ rệt nguy cơ mắc mới đối với ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy; còn chưa đủ bằng chứng giảm tỷ lệ mắc hay tử vong trên ung thư hắc tố.
Ung thư da trải qua các giai đoạn như thế nào?
Ung thư da là bệnh lý ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô, tế bào hắc tố, hạch, tuyến phụ thuộc da. Đặc trưng của ung thư da là các biểu hiện khác thường ngay trên da có thể nhìn thấy. Tuy vậy, có những dạng tổn thương không đặc hiệu, cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý da liễu khác.
Kiểm tra da trực quan lâm sàng đánh giá các tổn thương da bằng cách sử dụng “quy tắc ABCDE”, bao gồm việc tìm kiếm các đặc điểm sau:
Asymmetry: Không đối xứng
Border irregularity: Viền không đều
Nonuniform Color: Màu không đồng nhất
Diameter greater than 6 mm: Đường kính lớn hơn 6mm
Evolving over time: Tiến triển theo thời gian.
Ung thư da có rất nhiều thể bệnh khác nhau, dựa trên các triệu chứng lâm sàng và mức độ bệnh, di căn thường được chia chủ yếu thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn tiền ung thư
Bắt đầu xuất hiện các bất thường trên da: Có thể là màu sắc, nốt, đám, vùng da thay đổi màu sắc nhẹ so với các vùng da khác trên cơ thể; hay các tổn thương ranh giới không gọn, lâu lành.
Nếu tiếp tục để các vùng da tổn thương này gặp ánh nắng trực tiếp không có các biện pháp che chắn, khả năng cao các tế bào tại đó sẽ bị biến đổi ADN, tăng hoặc loạn sản không kiểm soát, nhưng chưa qua giới hạn của lớp biểu bì. Ung thư sẽ phát triển lên từ các tế bào đó.
Toàn trạng thường không có thay đổi gì quá rõ rệt ở giai đoạn này.
Giai đoạn 1
Các dạng tổn thương xuất hiện nhiều hơn ở vị trí khác nhau trên cơ thể (nhưng chủ yếu vẫn là những vùng hay tiếp xúc với ánh nắng). Quan sát bằng mắt các tổn thương hình thành nhiều, dày hơn, thô cứng hơn, màu sắc thường sậm hơn do sắc tố da bị ảnh hưởng thay đổi; nhưng đường kính chỗ lớn nhất thường dưới 2cm.
Khi soi da các tổn thương đã xâm lấn quá thượng và trung bì tới hạ bì.
Nếu là thể ung thư da u hắc tố có thể tiến triển rất nhanh từ giai đoạn này, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Giai đoạn 2
Các khối u, tổn thương da đã gia tăng kích thước lớn hơn 2cm. Mặc dù chưa lan sang các mô lân cận hay các tuyến, hạch bạch huyết dưới da; nhưng lại là giai đoạn dễ khởi phát những tổn thương và ung thư mới nhất. Ngoài những khu vực ít được che chắn như đầu, mặt, tay chân ra thì cả những vùng ít tiếp xúc với môi trường hay ánh nắng mặt trời như niêm mạc mũi miệng, trong tai, lòng bàn tay, ngực bụng hay bộ phận sinh dục cũng có thể bị ung thư da mới.
Không chỉ da những vùng tổn thương mà da toàn bộ cơ thể cũng biến đổi màu sắc, có thể do các tế bào hắc tố biến đổi nhanh, có thể do những ảnh hưởng đến hệ mao mạch dưới da và tuần hoàn chung mà thấy vàng vọt, kém tươi sáng.
Các triệu chứng lâm sàng khác đã rõ hơn như: Ngứa ngáy khó chịu, đau nhiều mức độ, chảy máu – dịch mủ, bội nhiễm…
Giai đoạn 3
Ung thư lan rộng, vượt ra khỏi vị trí khối nguyên phát ban đầu. Có thể lan đến mô cơ, mỡ xung quanh, hạch bạch huyết, xương. Cần phải tầm soát những di căn gần, di căn xa khác.
Kích thước khối u, hay tổn thương da lơn hơn 3cm.
Toàn trạng có thể suy kiệt do tế bào ác tính đã tấn công rộng rãi khắp cơ thể. Các khối ở vùng đầu mặt xâm lấn nguy hiểm nhất đến mắt, xương hàm, thậm chí hộp sọ. Với tốc độ phát triển nhanh nhất, tế bào ung thư có thể đến và ở lại hình thành khối di căn ở cả cơ quan nội tạng như gan, phổi, ổ bụng, phần phụ…
Ung thư da và các phương pháp điều trị
Những yếu tố quyết định việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư da phù hợp:
– Thể bệnh, vị trí, kích thước khối u/ tổn thương, mức độ xâm lấn/ di căn.
– Thể trạng bệnh nhân, những bệnh lý nền trước đó.
Điểm qua một vài phương pháp đang được áp dụng điều trị ung thư da đem lại thành quả lớn trong ngành ung thư, da liễu:
Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ khối u và phần da tổn thương: Là một trong những phương pháp cổ điển, được áp dụng lâu dài nhất hiện nay. Kỹ thuật viên sẽ tiến hành cắt toàn bộ khối ung thư, và một phần da xung quanh khối đó, xử lý gọn phần da, mô còn lại.
Nạo và đốt điện: Tương tự phương pháp trên nhưng sẽ dùng dao cắt hình cái thìa để vét sâu hơn vị trí tổn thương; phần da sau đó được đốt ngay bằng kim điện để hạn chế chảy máu.
Phẫu thuật lạnh: Hay còn gọi là phương pháp áp lạnh, dựa trên nguyên lý dùng nhiệt độ cực thấp để đóng băng, phá hủy mô bất thường (ở đây là khối ung thư da). Dung dịch hay dùng nhất là nitơ lỏng (ngoài ra còn có sử dụng carbon dioxide và argon). Nitơ lỏng được hạ nhiệt xuống còn -346 đến -3200F được phun trực tiếp bao phủ toàn bộ khối u trên da, từ đó làm đóng băng và phá hủy các mô tiếp xúc với nó. Sau đó sẽ dùng dao hoặc thìa nạo cẩn thận lấy đi phần mô đã bị phá hủy.
Phẫu thuật Mohs (phẫu thuật vi mô): Là phương pháp vi phẫu dưới sự theo dõi của kính hiển vi. Phẫu thuật Mohs được ưu tiên áp dụng, đặc biệt các khối u kích thước lớn, xâm lấn sâu hoặc trường hợp ung thư da tái phát. Quy trình thực hiện bằng cách cắt bỏ từng lớp da đến đường viền mô, và soi dưới kính hiển vi. Quá trình kết thúc khi lớp da cuối cùng soi trên kính không còn tế bào ác tính.
Hóa trị
Sử dụng hóa chất phù hợp để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa chất có các dạng sử dụng sau: Dạng hóa chất khô dùng đường uống; dạng bôi ngoài da; dạng dung dịch tiêm trực tiếp vùng mô bị bệnh; hoặc truyền tĩnh mạch theo số mũi.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia năng lượng cao có khả năng ức chế, phá hủy, ngăn chặn tế bào ác tính. Các tia được chiếu tại vùng khối u và vùng mô lân cận.
Liệu pháp sinh học – miễn dịch
Sử dụng các chế phẩm sinh học/ các hormon đưa vào để kích thích, khơi dậy sự hoạt động mạnh mẽ của hệ miễn dịch. Từ đó kích thích cơ thể tự thân chống lại tế bào ung thư.
Laser
Tia laser được ứng dụng rộng rãi trong nhiều khoa điều trị của y học. Ung thư nói chung và ung thư da nói riêng cũng đang sử dụng ánh sáng laser để phá hủy và tiêu diệt tế bào ác tính.
Những biện pháp giảm thiểu khả năng mắc ung thư da
Chúng ta có thể dựa vào những nguyên nhân và nguy cơ phổ biến làm tăng tỷ lệ ung thư da đã được đề cập để đưa ra những biện pháp phòng tránh và giảm thiểu mắc bệnh lý này. Ngoài những yếu tố không thay đổi được như: Di truyền, tuổi tác, màu da, giới tính… thì những nguyên nhân do tác động của thời tiết, môi trường làm việc vẫn có thể kiểm soát được. Cụ thể:
Đối với các yếu tố thay đổi được
Giảm tối thiểu sự ảnh hưởng của bức xạ tia UV lên da:
– Nguồn tia UV lớn nhất chính là ánh nắng mặt trời, vì thế cần hạn chế những công việc, hoạt động ngoài trời, tìm chỗ râm mát ít ánh nắng. Không nên hoạt động trực tiếp dưới nắng đặc biệt từ 10 giờ đến 16 giờ (vào mùa hè có thể từ 9-17 giờ).
– Chỉ nên tắm nắng vào trước 9 giờ sáng (mùa hè trước 8 giờ), giới hạn thời gian sử dụng giường tắm nắng là tốt nhất.
– Đeo kính râm, thoa son dưỡng có tác dụng chống nắng để bảo vệ những vùng niêm mạc.
– Bôi kem chống nắng phổ rộng (ít nhất SPF 30++, bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB), nhiều lần trong ngày cho những ngày phải tiếp xúc ánh sáng mặt trời nhiều giờ. Với những ngày làm trong nhà hay trời mưa vẫn cần bôi kem chống nắng, vì tiếp xúc nhiều với các nguồn ánh sáng trắng và xanh từ đèn điện nhiều màu, màn hình máy tính, điện thoại cũng gây hại cho da nếu không được bảo vệ.
– Sử dụng mũ vành rộng, quần áo chống nắng.
Các công việc trong môi trường độc hại: Tùy đặc thù mỗi công việc mà cần trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ dài tay, kính bảo hộ, khẩu trang, găng tay, giày tất, mặt nạ phòng độc, đảm bảo đúng các quy trình mặc, tháo đồ và vệ sinh sau khi rời khỏi khu vực làm việc…
Đối với những yếu tố không thay đổi được
Những người thuộc các đối tượng sau: Trong gia đình từng có người thân gần như bố mẹ, anh chị em ruột từng bị ung thư da; có màu da sáng, tóc sáng tự nhiên (vàng, cam, đỏ…); trên 60 tuổi; nam giới có một trong các nguy cơ khác; thì cần có sự theo dõi, chú ý đến tình trạng da thường xuyên hơn.
Cụ thể, định kỳ sáu tháng hoặc một năm một lần cần đi kiểm tra sức khỏe và tổng thể da; tự theo dõi khi soi gương, tắm gội phát hiện các vùng da, nốt ruồi bất thường; tìm hiểu về nguy cơ bệnh lý và áp dụng tích cực phương pháp giảm thiểu tác động của các nguy cơ có thể thay đổi được như đề cập ở trên. Không nên tắm nắng khi đã có các yếu tố nguy cơ không thay đổi được.
Về mặt chuyên môn, các cơ sở chuyên khoa có thể kết hợp các chương trình phổ biến, nâng cao nhận thức người dân về bệnh tật.
Các thống kê hiện tại cho thấy chống nắng tích cực và tiếp xúc đúng cách làm giảm rõ rệt nguy cơ mắc mới đối với ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy; còn chưa đủ bằng chứng giảm tỷ lệ mắc hay tử vong trên ung thư hắc tố.
Bổ sung các thực phẩm, nhóm chất giúp da chắc khỏe từ bên trong
Tuy phương châm của điều trị vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng mới dừng lại ở thông tin tuyên truyền một chiều. Còn hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe chủ động đang là xu hướng hiện đại hướng tới. Mọi người có ý thức tìm hiểu về sức khỏe và các nguy cơ bệnh tật hơn, từ đó lựa chọn, thay đổi những lối sống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe, giảm nhẹ tác động của ô nhiễm môi trường và bệnh tật.
Bên cạnh những cách phòng chống và điều trị ung thư da, còn có phương pháp hữu hiệu và được ưa chuộng là việc thay đổi từ chế độ ăn. Làn da không chỉ giúp bảo vệ cơ thể, mà còn là phản ánh sức khỏe và thẩm mỹ rất cao. Có thể kể ra một số những loại thực phẩm giúp chăm sóc làn da khỏe mạnh như sau:
– Thực phẩm giàu vitamin A: Cà rốt, bí đỏ, cà chua, khoai lang, ớt chuông, hải sản, dầu cá, quả óc chó…
– Thực phẩm giàu vitamin C: Trái cây như cam, bưởi, chanh, dâu tây, cherry, ổi…
– Thực phẩm giàu vitamin H (Biotin): Thịt và nội tạng động vật, cá, trứng; súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt, quả bơ…
– Thực phẩm giàu Collagen: Một số loại cá như cá thu, cá ngừ, cá hồi; các loại đậu, hạt điều…
– Thực phẩm chống oxy hóa: Quả lựu, trà xanh, rượu vang đỏ, tỏi…
BS. Tú Uyên (Thọ Xuân Đường)